Tầm quan trọng của phân bón trong vườn rau gia đình

Tầm quan trọng của phân bón trong vườn rau gia đình

Ngày đăng: 05/06/2024 09:00 AM

    TẦM QUAN TRỌNG CỦA PHÂN BÓN TRONG VƯỜN RAU GIA ĐÌNH

    Phân Bón Là Gì?

    Để lớn lên, cây cần tìm kiếm, hấp thụ các chất dinh dưỡng và nước được tìm thấy trong đất trồng. Nhưng theo thời gian, các chất dinh dưỡng có sẵn trong đất sẽ dần bị cạn kiệt. Vì vậy trong quá trình canh tác chúng ta cần sử dụng phân bón để bổ sung dinh dưỡng cho cây rau.

    Có nhiều loại phân bón khác nhau, nhưng về cơ bản người ta chia thành 2 nhóm chính gồm:

    + Phân Hữu Cơ: là các loại phân có nguồn gốc từ tự nhiên, là kết quả thu được từ sự phân hủy của các loại phế phẩm như phân chuồng, xác thực vật, chất thải động vật, giun bọ hay xác cá lên men. Phân hữu cơ giúp làm cho đất màu mỡ, phì nhiêu. Có nhiều loại phân hữu cơ khác nhau như: phân chuồng, phân xanh, phân rác, phân vi sinh, phân hữu cơ sinh học….

    + Phân Vô Cơ (Phân Hóa Học): là các loại phân bón bổ sung các chất dinh dưỡng dưới dạng muối khoáng (vô cơ), được sản xuất chủ yếu bằng dây chuyền công nghiệp. Phân vô cơ thường có tác dụng nhanh, mau tan, hiệu lực cao. Tuy nhiên, cần lưu ý về liều lượng, không nên bón quá nhiều dễ sinh nhiệt, làm cho đất bị chai cứng, hóa chua, bạc màu và có thể gây chết cây trồng.

    Tuy nhiên, trong bài viết này, chúng ta chỉ nói về tầm quan trọng và ảnh hưởng của việc sử dụng các loại phân hữu cơ tự nhiên cũng như làm thế nào để bạn có thể tự làm ra nó vì đây là loại phân bón tốt nhất dành cho cây rau.

    + Phân Hữu Cơ Tự Nhiên:

    Phân hữu cơ tự nhiên được tạo ra bằng cách cho những phế phẩm nông nghiệp, rác thải hữu cơ, thức ăn thừa và chất thải vườn phân hủy một cách tự nhiên bởi các vi sinh vật trong đất. Phân hữu cơ tự nhiên có thể được sản xuất từ một số nguồn như:

    • Phế phẩm từ thực vật như: cỏ dại, chất thải thực vật (cỏ khô, vỏ quả, quả, lá rụng, cây mục nát, mùn cưa, dăm gỗ….)
    • Chất thải sinh hoạt gia đình: bao gồm tất cả chất thải hữu cơ từ nhà bếp có thể phân hủy được (rau thải, thức ăn thừa, vỏ hạt, vỏ đậu….) không bao gồm các chất vô cơ (các loại nhựa, hộp thiếc, thủy tinh và các phế phẩm khác không phân hủy được).
    • Hỗn hợp từ tro thực vật, vôi, đất, nước. Không bao gồm tro từ các thực phẩm chứa chất béo như thịt, các sản phẩm từ sữa, gỗ nhựa, kim loại, thủy tinh, dây điện và các vật liệu khác không có khả năng phân hủy sinh học.

    Cách Tạo Ra Phân Hữu Cơ

    Có nhiều cách khác nhau để có thể tạo phân hữu cơ như: ủ phân trên mặt đất, ủ phân trong thùng chứa hoặc ủ trong lòng đất bằng cách đào một hố âm.

    Trong trường hợp bạn ở thành phố, không có sẵn diện tích đất tự nhiên thì bạn có thể ủ phân trong thùng chứa. Tuy nhiên bạn nên đục sẵn một vài lỗ nhỏ trên thân và đáy thùng để giúp thoát nước tốt, đồng thời các vi sinh vật và không khí sẽ dễ tiếp cận với lớp phế phẩm hữu cơ bên trong.

    Dù bạn chọn phương pháp nào đi nữa, bạn sẽ cần phải nắm rõ các yêu cầu kỹ thuật sau để có chất lượng phân hữu cơ được tốt và nhanh nhất:

    • Nên chọn vị trí râm mát để ủ phân. Lý do là bạn sẽ có thể dễ dàng theo dõi và xử lí chúng. Đồng thời nó cũng tạo điều kiện cho các vi sinh vật trong đất có thể hoạt động mạnh mẽ nhất và mang lại hiệu quả nhanh hơn so với khi bạn đặt ngoài trời nắng.
    • Bạn nên làm phẳng bề mặt lớp đất trên cùng và thỉnh thoảng xới trộn lớp đất này để bổ sung thêm không khí vào các lớp hữu cơ bên dưới. Với trường hợp bạn ủ phân bằng cách sử dụng một thùng chứa, bạn có thể tạo một vài lỗ nhỏ trên thân thùng để cho phép không khí xâm nhập vào.

    Các lớp hữu cơ để ủ phân cơ bản cần có:

    – Lớp dưới cùng (lớp thoát nước) dày khoảng 2 cm bao gồm những phế phẩm thực vật có kích thước to như: thân cây khô, lá khô và cỏ khô…

    – Tiếp theo sẽ là một lớp phế phẩm hữu cơ dễ phân hủy hơn, dày khoảng 20 cm bao gồm các chất thải từ nhà bếp và vườn như: thức ăn thừa, rau thải, vỏ hạt, vỏ đậu…

    – Kế đến là lớp phân chuồng hoai mục dày khoảng 5 cm có nguồn gốc từ chăn nuôi. Nếu bạn không có phân, bạn có thể sử dụng vôi hoặc tro thực vật thay thế đều được.

    – Lớp trên cùng, dày khoảng 2 cm bao gồm hồn hợp đất thịt và phân chuồng hoai mục.

    – Để phát huy hiệu quả việc ủ phân xanh, bạn cần tưới nước giữ ẩm cho nó. Nước sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình lên men của các lớp hữu cơ bên dưới. Bạn có thể tiếp tục thêm các lớp hữu cơ kế tiếp theo thứ tự này cho đến khi thùng chứa của bạn đầy hoặc duy trì nó ở chiều cao khoảng 1m là tốt nhất. Đừng quên vẫn tưới nước duy trì độ ẩm nhé.

    – Khi bạn đã thêm đến lớp cuối cùng, hãy che bề mặt bằng rơm, cỏ khô hoặc một miếng vải ướt để giữ nhiệt và độ ẩm bên trong. Sau đó tưới nước lần cuối là bạn đã hoàn thành việc ủ phân hữu cơ của mình.

    Lưu ý:

    • Luôn theo dõi và tưới phun sương giữ ẩm cho bề mặt đống phân ủ của bạn.
    • Xới trộn các lớp hữu cơ 1-2 tuần/lần để đảm bảo tất cả mọi thứ đều được phân hủy hoàn toàn.
    • Thông thường bạn sẽ phải mất 90 ngày hoặc hơn để phân hữu cơ này có thể sử dụng được. Tốc độ phân hủy các lớp hữu cơ tùy thuộc vào các yếu tố khác như: Nhiệt độ, độ ẩm, thành phần của các lớp hữu cơ (kết cấu mềm hay cứng, vụn hay nguyên) và các vi sinh vật phân hủy.