Lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất lúa

Lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất lúa

Ngày đăng: 04/06/2024 10:49 PM

    Điện Biên TV - Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật hiện nay đang trở nên đáng báo động khi số lượng và liều lượng thuốc sử dụng trong một vụ sản xuất ngày càng gia tăng. Thậm chí, nhiều người dân còn có tâm lý phun phòng khi sâu bệnh chưa đến ngưỡng phòng trừ hay trên những diện tích chuẩn bị cho thu hoạch. Điều này không chỉ gây lãng phí thuốc bảo vệ thực vật, tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

    Gần 1.000 m2 lúa mùa mới được cấy chưa đầy nửa tháng, song đây là lần thứ 4, chị Lò Thị Hiêng, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Lần đầu tiên gia đình chị phun thuốc diệt cỏ trước khi cấy. Tiếp đến là 2 lần phun thuốc ốc bươu vàng không thấy hiệu quả và lần thứ 4 chị đã trộn thuốc diệt ốc bươu vàng cùng với phân kali bón cho lúa. Đó là chưa kể những lần sử dụng thuốc trừ sâu ở giai đoạn lúa đẻ nhánh, đứng cái làm đòng và phơi bông.

    Khu vực cánh đồng lòng chảo Điện Biên là nơi người nông dân thường xuyên dùng thuốc bảo vệ thực vật trong mỗi mùa vụ. Thuốc bảo vệ thực vật được phun ở nhiều thời điểm khác nhau: Phun trừ cỏ trước khi cấy lúa; phun phòng chống sâu bệnh hại khi lúa mới cấy khoảng 15 - 20 ngày, phun thuốc khi lúa trổ đòng, khi lúa phơi màu và phun thuốc bảo vệ khi bông lúa uốn câu. Thậm chí, ở những diện tích lúa đã cho thu hoạch, người dân còn phun trừ rầy nâu để tránh thiệt hại kinh tế. Trung bình, mỗi vụ sản xuất lúa, người nông dân phải phun từ 5 đến 7 lần thuốc bảo vệ thực vật. Đó là đối với tình trạng cây trồng bình thường, còn nếu sâu bệnh phát triển nhiều thì số lần phun thuốc bảo vệ thực vật càng tăng lên. Đồng nghĩa với việc này là tăng chi phí đầu tư sản xuất, ô nhiễm môi trường, mất cân bằng hệ sinh thái.

     

    Mất kiểm soát thuốc trừ sâu - Tuổi Trẻ Online
    Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe con người, đến cây trồng và ô nhiễm môi trường.

     

    Ông Tòng Văn Phúc, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên cho biết: “Lúa chiêm hay lúa mùa cũng như nhau thôi, phun thuốc cỏ, sâu bệnh đục thân, phun rất nhiều lần, 1.000m2 ruộng cũng phải phun 5 - 6 lần.”

    Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, năm 2019, nông dân toàn tỉnh sử dụng 103 tấn thuốc bảo vệ thực vật, năm 2020 là 104 tấn thuốc bảo vệ thực vật. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng còn nhiều bất cập khi chưa tuân thủ nguyên tắc 4 đúng là: Đúng thuốc; đúng nồng độ, liều lượng; đúng lúc và đúng kỹ thuật.

    Nhiều người dân vẫn có tâm lý phun phòng ngừa dịch hại, diệt sâu nhanh khi sâu bệnh chưa đến ngưỡng phòng trừ nên tự ý tăng liều lượng hay phối trộn nhiều loại thuốc trong cùng một bình phun mà không theo khuyến cáo của nhà sản xuất hay cơ quan chuyên môn. Chính điều này là tác nhân khiến sâu bệnh bùng phát mạnh dù đã sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều lần. 

    Ông Bùi Ngọc Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Điện Biên cho biết: "Trên cây lúa có tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là cánh đồng Mường Thanh. Ở đây nhấn mạnh, lạm dụng thuốc giai đoạn đầu vụ có xuất hiện đối tượng sâu bệnh nhưng chưa đến ngưỡng để phòng trừ mà người dân vẫn phun sẽ ảnh hưởng đến thu nhập người dân, giá trị và chất lượng hạt gạo. Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật giai đoạn đầu vụ dẫn đến mất cân bằng hệ sinh thái và gây bùng phát dịch hại như tập đoàn rầy”.

    Không thể phủ nhận, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy trình, đúng kỹ thuật sẽ giúp tăng năng suất và chất lượng nông sản, đem lại lợi nhuận cao cho người dân. Tuy nhiên, nếu lạm dụng, thuốc bảo vệ thực vật cũng như “con dao hai lưỡi” gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe con người, đến cây trồng, ô nhiễm môi trường và dần mất đi sự cân bằng sinh thái. Đó là chưa kể, một số loại thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, khi phun không mang lại hiệu quả như mong muốn nên người nông dân phải phun đi, phun lại nhiều lần, dẫn đến thiệt hại về kinh tế./.